Chào bác sĩ, mẹ cháu đang điều trị ung thư buồng trứng, nhà ít người nên cháu đang trực tiếp chăm sóc mẹ. Cháu còn trẻ, có nhiều điều còn sai sót khi chăm sóc mẹ. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu phải chăm sóc bệnh nhân ung thư buồng trứng như thế nào ?. Cháu cảm ơn bác sĩ
Nguyễn Hạ, 20 tuổi, Nam Định
Trả lời
Chào bạn
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục tư vấn , Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Trước hết, chúng tôi rất thấu hiểu và thông cảm với những khó khăn mà bạn đang phải trải qua bởi việc chăm sóc người bệnh ung thư vốn chưa bao giờ là điều đơn giản. Người chăm sóc không những cần phải có sự tận tâm, lòng yêu thương mà còn cần có những kiến thức đúng về bệnh để có thể chăm sóc tốt cho người bệnh. Bạn còn rất trẻ, nên trong quá trình chăm sóc, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những sai sót. Để mẹ có thêm nghị lực và sức khỏe để vượt qua giai đoạn khó khăn này, tiếp tục điều trị, bạn cần có những cách chăm sóc phù hợp.
Về chế độ dinh dưỡng:
Bạn cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị cho mẹ bạn, vì chế độ dinh dưỡng của người bệnh ung thư buồng trứng phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn của bệnh, thể trạng của người bệnh, phác đồ điều trị.
Tuy nhiên, nguyên tắc chung là chọn thực phẩm dễ tiêu, hợp khẩu vị, chia nhỏ và ăn thành nhiều bữa nhằm bảo đảm cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể để duy trì được cân nặng và khối cơ bắp. Khẩu phần ăn của người bệnh ung thư buồng trứng cần tăng cường protein hơn so với bình thường. Các thực phẩm chứa nhiều protein bao gồm: trứng, cá, thịt gà, vịt, sữa, các loại đậu. Những thực phẩm này nên được chế biến bằng phương pháp luộc, hấp lửa nhỏ. Do khả năng tiêu hóa và hấp thu cao hơn vào ban ngày, nên cần tăng lượng ăn vào buổi sáng và trưa, hơn là vào buổi tối. Bạn cần cho mẹ uống đủ nước để bù nước do thay đổi mức chuyển hóa trong cơ thể, cũng như để làm giảm tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư.

Người bệnh ung thư buồng trứng nên bổ sung nhiêu protein trong khẩu phần ăn
Bạn không nên cho mẹ ăn các thực phẩm gây đầy hơi, các đồ chiên, rán, nướng, tẩm ướp, các đồ ăn cay, mặn, đắng hoặc các món muối, ngâm vì những thực phẩm này không tốt cho quá trình điều trị và hồi phục bệnh. Bên cạnh đó bạn cũng không nên cho mẹ ăn thịt, nhất là thịt màu đỏ (thịt trâu, bò, ngựa v.v…), thịt nguội và đồ hộp.
Khi bệnh của mẹ bạn đã ở giai đoạn ổn định hơn, ngoài việc đảm bảo chất dinh dưỡng và năng lượng trong khẩu phần ăn, bạn có thể cho mẹ ăn thêm các loại hoa quả, rau: cam, quýt, đu đủ, dứa, rau lá xanh…
Về chăm sóc tâm lý:
Bệnh nhân ung thư thường bị khủng hoảng tâm lý nên bạn cần phải thường xuyên gần gũi mẹ, động viên mẹ nhiều hơn để mẹ bớt cảm giác lo âu, tuyệt vọng. Kể cho mẹ nghe về những trường hợp bệnh nhân ung thư đã được chữa khỏi. Bạn có thể nhờ các bác sĩ động viên thêm cho mẹ, vì lời nói của bác sĩ thường thuyết phục và làm cho mẹ bạn tin tưởng hơn.
Về các việc chăm sóc cụ thể như giúp mẹ trở mình, lau rửa, xoa bóp, kiểm tra…Bạn cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ, điều dưỡng để có chế độ chăm sóc hợp lý và đúng nhất.
Chúng tôi mong rằng bạn và mẹ có đủ sức khỏe và nghị lực để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bạn có thể liên hệ để biết thêm thông tin chi tiết qua đường dây nóng tư vấn ung thư của chúng tôi : 0907.245.888