Phương pháp hóa trị liệu sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể. Cho dù qua đường uống hay tiêm tĩnh mạch, các thuốc hóa trị cũng có thể gây tổn thương các tế bào lành, dẫn tới các tác dụng phụ không mong muốn. Chán ăn, thay đổi vị giác, lở loét ở miệng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, mệt mỏi, suy giảm số lượng các tế bào máu trắng là những tác dụng phụ thường gặp do hóa trị.
Tư vấn dinh dưỡng

Trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt là những thực phẩm người bệnh có thể lựa chọn cho thực đơn hàng ngày.
Trước khi bắt đầu điều trị, người bệnh nên có một chế độ ăn uống cân bằng để duy trì sức khỏe và năng lượng. Trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt là những thực phẩm người bệnh có thể lựa chọn cho thực đơn hàng ngày. Ngoài ra cần hạn chế các thực phẩm có hàm lượng cao đường, chất béo bão hòa và muối.
Viện Ung thư Quốc gia Mỹ khuyến cáo rằng trong quá trình hóa trị, bệnh nhân cần thêm protein và calo từ các loại thực phẩm như sữa, phô mai, trứng, nước sốt và nước thịt.
Thời gian ăn uống
Người bệnh nên ăn nhẹ khoảng 1 giờ trước khi bắt đầu hóa trị. Đối với những trường hợp bị buồn nôn và ói mửa, nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn 3 bữa chính. Luôn có sẵn thức ăn để người bệnh ăn ngay khi cảm thấy thèm.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Hóa trị sẽ khiến cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng, do đó người bệnh cần hết sức lưu ý khi lựa chọn thực phẩm và chế biến thức ăn. Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn, đồ uống và rửa dụng cụ. Các đồ dùng để nấu nướng và ăn uống phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Nấu chín kỹ thực phẩm thịt, cá và ăn ngay sau khi nấu. Không để lẫn thực phẩm chín với thực phẩm sống khi bảo quản. Sử dụng sữa, nước trái cây và mật ong đã tiệt trùng.
Ngoài ra người chế biến thức ăn phải rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch trước khi nấu.
Một số lưu ý khác

Người bệnh nên uống nhiều nước, súp, nước ép trái cây… trong quá trình hóa trị để tránh tình trạng mất nước.
Người bệnh nên uống nhiều nước, súp, nước ép trái cây… trong quá trình hóa trị để tránh tình trạng mất nước. Hạn chế uống rượu, tránh gây kích thích cho vùng miệng bị lở loét ở một số người bệnh. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, bệnh nhân ung thư không cần sử dụng vitamin bổ sung. Một chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng sẽ giúp duy trì sức khỏe và năng lượng cho người bệnh trước khi bước vào giai đoạn hóa trị.