Ung thư trực tràng thường được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ khối u khỏi cơ thể. Đây là bệnh lý nguy hiểm và có tỷ lệ tái phát sau khi điều trị khá cao. Thông thường, ung thư trực tràng thường tái phát trong vòng 2 – 3 năm sau điều trị, khối u có thể tái phát tại địa phương (gần trực tràng) hoặc tại các cơ quan xa. Việc điều trị ung thư trực tràng tái phát sẽ phụ thuộc vào vị trí tái phát của ung thư và liệu pháp điều trị đã được sử dụng trước đó.

Phẫu thuật là phương pháp tối ưu trong điều trị ung thư trực tràng tái phát.
Tái phát địa phương:
Nếu ung thư tái phát tại đại trực tràng hoặc các vùng lân cận, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u nếu tình trạng sức khỏe cho phép hoặc điều trị bằng hóa trị. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xạ trị nếu trước đó chưa sử dụng.
Tái phát tại cơ quan xa:
Trong trường hợp ung thư trực tràng tái phát tại các cơ quan xa như gan, phổi, não, xương… liệu pháp điều trị được áp dụng sẽ tùy thuộc vào việc khối u có thể được cắt bỏ bằng phẫu thuật hay không.
Nếu khối u có thể được cắt bỏ: phẫu thuật là phương pháp tối ưu nếu khối u có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật. Hóa trị tân bổ trợ có thể được thực hiện trước phẫu thuật để giúp giảm kích thước khối u và sử dụng bổ trợ sau phẫu thuật. Trong trường hợp ung thư trực tràng di căn đến gan, phương pháp điều trị thường được sử dụng là đưa hóa chất đến khôi u gan qua đường động mạch đồng thời chặn động mạch để cắt nguồn máu nuôi khối u (thuyên tắc mạch hóa chất).

Hóa trị cũng thường được áp dụng trong điều trị ung thư trực tràng tái phát.
Nếu khối u không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật: hóa trị là phương pháp thường được áp dụng nhất. Các loại thuốc hóa trị có tác dụng tấn công các tế bào ung thư trên toàn cơ thể, do đó có thể tiêu diệt khối u ở các vị trí khó phẫu thuật. Việc lựa chọn thuốc hóa trị và liều lượng cụ thể cần căn cứ vào liệu trình hóa trị đã sử dụng trước đó.
Với ung thư giai đoạn IV: các phương pháp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng và tránh biến chứng như chảy máu hoặc tắc ruột cho bệnh nhân, đồng thời giúp nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.