Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách ngăn chặn quá trình phân chia của chúng. Có hai loại hóa trị đang được áp dụng phổ biến hiện nay là hóa trị hệ thống và hóa trị khu vực. Trong đó, hóa trị hệ thống sử dụng các loại thuốc đi có tác dụng tấn công các tế bào ung thư trên khắp cơ thể, thường được chỉ định điều trị ung thư ở giai đoạn di căn.
Hóa trị ung thư vòm họng được áp dụng khi ung thư đã di căn xa hoặc ung thư tái phát sau xạ trị. Bên cạnh đó, hóa trị có thể dùng kết hợp với xạ trị khi bệnh nhân có triệu chứng khối u xâm lấn xương nền sọ, tổn thương dây thần kinh sọ não, hạch ở hai bên tai hoặc lan rộng đến đáy cổ, hạch lớn và không di động. Hóa trị có thể gây một số tác dụng phụ đối với người bệnh như buồn nôn, chán ăn, suy nhược cơ thể, rụng tóc,…
Xạ trị sử dụng tia bức xạ năng lượng cao (tia X) để tiêu diệt các tế bào ung thư. Với ung thư vòm họng, xạ trị thường được áp dụng trong các giai đoạn đầu do xạ trị chỉ ảnh hưởng đến các tế bào ở khu vực điều trị (như khu vực phía sau mũi và hai bên cổ). Tuy vậy, trong một số trường hợp, bác sĩ vẫn có thể chỉ định xạ trị cho bệnh nhân ung thư vòm họng di căn để giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Phẫu thuật có thể loại bỏ khối u khỏi cơ thể, bao gồm phẫu thuật xử lý toàn vòm họng, bán vòm họng và loại bỏ hạch cổ. Phẫu thuật cũng có thể áp dụng trong điều trị ung thư vòm họng ở giai đoạn di căn để cắt bỏ khối u và loại bỏ các tế bào ung thư khi khối u đã phát triển và lan rộng nhằm tránh khối u gây chèn ép cổ họng và các cơ quan di căn như não, gan, phổi, thận,…

Phẫu thuật cũng được chỉ định điều trị ung thư vòm họng di căn trong một số trường hợp.
Đối với ung thư vòm họng giai đoạn di căn, mặc dù có thể điều trị để cải thiện tình trạng bệnh nhưng tiên lượng sống của bệnh nhân cũng không cao và thời gian sống thấp, khoảng 6 tháng – 2 năm, tỷ lệ sống trên 5 năm là khoảng 30%. Do đó, các phương pháp điều trị trong giai đoạn này còn thường nhằm mục đích giảm nhẹ các triệu chứng, nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Việc điều trị ung thư ở giai đoạn cuối rất khó khăn, bởi vậy các chuyên gia khuyến cáo mỗi người cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để phòng tránh ung thư cũng như nên khám sức khỏe định kỳ để giúp phát hiện bệnh sớm nhất nếu có.