Nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng cũng như các loại ung thư khác chưa được khẳng định chắc chắn, các nhà nghiên cứu cho rằng một số yếu tố sau có thể là nguy cơ gây ung thư vòm họng:
– Nhiễm Epstein Barr virus (EBV): Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng, những người ung thư vòm họng có tỷ lệ nhiễm EBV rất cao. Tuy nhiên, nhiễm EBV làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng, chứ không phải tất cả những người nhiễm đều mắc bệnh.
– Chế độ ăn uống: Ăn thường xuyên và lâu dài thức ăn được muối kỹ để dùng lâu ngày như cá, thịt muối cũng là một yếu tố nguy cơ. Có giả thuyết cho rằng chế độ ăn với các thức ăn được muối kỹ này sẽ là điều kiện để EBV thúc đẩy quá trình sinh ung thư.
– Chủng tộc: Bệnh ung thư vòm họng thường gặp ở người châu Á và Bắc Phi hơn là các chủng tộc khác. Ung thư vòm họng cũng thường gặp ở Trung Quốc và các Đông Nam Á như Singapore, Việt Nam, Malaysia, và Philippines. Người ta cho rằng thói quen ăn uống với những ăn như kể trên là yếu tố dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh cao ở các nước này.
Một số yếu tố nguy cơ khác:
– Tiền sử gia đình mắc ung thư vòm họng
– Hút thuốc lá nhiều và lạm dụng rượu
– Tiếp xúc với formaldehyde, bụi gỗ trong môi trường làm việc, theo một số nghiên cứu.
Vòm họng, hay vòm mũi họng nằm ở phía sau mũi và trên khẩu cái mềm, không thể thấy được khi khám miệng hay mũi thông thường, chỉ có thể thấy qua nội soi đường mũi bằng ống nội soi cứng hay mềm. Do đó ung thư vòm họng thường khó được phát hiện sớm.
EBV được xem là yếu tố nguy cơ lớn của ung thư vòm họng. DNA của EBV kết hợp với DNA tế bào niêm mạc vòm họng, làm thay đổi cấu trúc DNA của các tế bào này khiến chúng phát triển và phân chia bất thường trở thành tế bào ung thư.
Nhiễm EBV một mình nó không đủ để gây ung thư vòm họng, bằng chứng là tỉ lệ nhiễm EBV thì phổ biến trong khi tỉ lệ mắc ung thư vòm họng lại hiếm gặp. Các yếu tố khác được kể đến như: cấu trúc di truyền (gien) của người bệnh có ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể đối với EBV khiến cho EBV gây ung thư vòm họng; hoặc chế độ ăn với các thức ăn được muối kéo dài và thường xuyên (ví dụ như khoảng ba lần trong một tháng – theo một nghiên cứu) sẽ là điều kiện để EBV thúc đẩy quá trình sinh ung thư.
Ung thư vòm họng chủ yếu là ung thư biểu mô (carcinoma), trong đó thường gặp nhất là loại không biệt hóa.
Bệnh này thường gặp ở nam giới, số lượng nhiều gấp đôi nữ, độ tuổi mắc bệnh thường gặp là 50-60 tuổi. Gần đây, theo một số nghiên cứu, tuổi mắc bệnh trẻ hơn vào khoảng 35-55 tuổi.
Những triệu chứng sớm thường không điển hình và khó xác định vì khá giống với những những biểu hiện của các bệnh thông thường vùng tai mũi họng, dễ bị bỏ qua. Do đó, nếu bạn bị bất cứ vấn đề gì trong những triệu chứng dưới đây, dai dẳng hoặc uống thuốc một thời gian mà không thấy đỡ thì nên đi khám bác sĩ.
Những triệu chứng đó là nhức đầu, chảy máu mũi, nghẹt mũi, nổi hạch cổ, ù tai, nghe kém. Các triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm mũi xoang, viêm tai giữa…
Các triệu chứng muộn và nặng hơn bao gồm: lé mắt, nhìn đôi, sụp mi, mờ mắt, khó nuốt, khàn tiếng… do khối u lan rộng làm tổn thương dây thần kinh sọ não.
Phương pháp điều trị chính của ung thư vòmhọng là xạ trị. Vì đa số ung thư vòm họng là carcinoma không biệt hóa nên nhạy với tia xạ. Trường hợp bệnh ở giai đoạn muộn cần phối hợp với hóa trị. Ngoài ra, hóa trị còn dùng cho những trường hợp u khác không nhạy với tia xạ.
Phương pháp phẫu thuật ít có vai trò trong ung thư vòm mũi họng, chỉ được áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt. Tiên lượng sống năm năm nói chung cho tất cả các giai đoạn khoảng 50-80% theo nhiều nghiên cứu.
Tuy nhiên, xạ trị hay phẫu thuật đều có thể gây ra những tác dụng phụ, phổ biến như: mệt mỏi, khô miệng, rụng tóc, vv… Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể khắc phục dần sau khi kết thúc điều trị.
Để phòng tránh ung thư vòm họng, người bệnh nên hạn chế ăn cá muối, thịt muối thường xuyên. Thay vào đó, chúng ta nên ăn nhiều trái cây, rau tươi cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, bạn nên thực hiện lối sống lành mạnh như không hút thuốc, không uống rượu nhiều nhất là rượu mạnh.
Bệnh ung thư vòm họng không thường được phát hiện sớm, do vậy việc tầm soát ung thư vòm họng ở những người có nguy cơ cao là rất hữu ích trong việc phát hiện bệnh sớm để có cơ hội chữa trị tốt nhất.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đã hợp tác với đội ngũ bác sĩ giỏi từ Singapore, thành lập nên khoa Ung bướu. Tại đây, người bệnh ung thư có cơ hội điều trị với các bác sĩ giỏi và những phương pháp điều trị hiện đại, các loại thuốc tốt nhất trên thế giới. Với ung thư vòm họng, người bệnh được điều trị với TS.BS Lim Hong Liang – ông là bác sĩ chuyên điều trị về ung thư phổi và ung thư đầu – mặt – cổ. Bên cạnh đó, Bệnh viện Thu Cúc đã đầu tư hệ thống thiết bị y tế hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, phục vụ tốt nhất cho việc chữa bệnh.