U Wilms là một loại ung thư hiếm gặp của thận, có thể xuất hiện ở một bên thận hoặc cả hai bên. Tùy theo giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn khối u, sức khỏe bệnh nhân mà điều trị u Wilms ở trẻ được thực hiện theo từng phương pháp như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp điều trị ban đầu cho hầu hết các trường hợp u Wilms.
Cắt bỏ cẩn thận khối u không làm vỡ vỏ hoặc gieo rắc u là nguyên tắc quan trọng bởi nếu không sẽ làm tăng nguy cơ tái phát trong ổ bụng. Nếu phẫu thuật thành công sẽ cải thiện thời gian sống. Trong khi phẫu thuật cần phải đánh giá chính xác mức độ lan rộng của khối u. Việc này quyết định bước điều trị tiếp theo, cần xạ trị và sử dụng phác đồ hoá chất thích hợp như thế nào.
Phương pháp phẫu thuật qua phúc mạc được coi là phương pháp chuẩn hiện nay bởi đánh giá được tình trạng hạch và các cơ quan khác trong ổ bụng bao gồm cả bên thận đối diện. Tuy nhiên, các biến chứng hay gặp nhất là chảy máu và tắc ruột.
Đối với bệnh biểu hiện ở cả hai bên, sinh thiết thận hai bên và đánh giá giai đoạn cho từng thận để sau đó điều trị hoá chất là phương pháp thường dùng.
Phẫu thuật cắt thận một phần để giữ chức năng thận vẫn đang còn tranh cãi và thường chỉ dành cho các trường hợp có một thận cà các trường hợp chức năng thận không đủ nếu cắt toàn bộ.
Hóa trị
Hóa trị trước mổ thường chỉ dành cho các trường hợp không mổ được (u xâm lấn rộng, không thể cắt bỏ).
Chỉ định điều trị hoá chất bổ trợ và phác đồ sử dụng tuỳ thuộc giai đoạn và mô bệnh học.
U Wilms là khối u đáp ứng với thuốc hoá chất dactinomycin. Các thuốc khác cũng được thấy là có hoạt tính với bệnh là vincristine với tỷ lệ đáp ứng là 63%, doxorubicin với tỷ lệ đáp ứng 60% và cyclophosphamide với tỷ lệ đáp ứng là 27%.
Tia xạ
Đây là loại u nhạy cảm với tia xạ nên xạ trị được sử dụng khá rộng rãi trong điều trị u Wilms. Khi tiến hành xạ trị ở trẻ em, cần phải lưu ý cả đến các biến chứng muộn.
Liều tia cần điều chỉnh theo tuổi, trẻ ít tuổi cần liều tia thấp hơn bởi khả năng chịu đựng của mô lành thấp hơn.
Trường tia cần phải vượt qua đường giữa để hai bên thân các đốt sống chịu liều tia như nhau. Trẻ sẽ không bị cong vẹo cột sống về sau.
Xạ trị toàn bộ phổi cũng được chỉ định cho các trường hợp di căn phổi.
Ở trẻ em, u Wilms là loại ung thư hay gặp nhất trong ổ bụng. Một số căn bệnh di truyền hoặc dị tật bẩm sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư này. Do đó, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao cần theo dõi sàng lọc 3 tháng một lần cho đến 8 tuổi.