Sarcoma cơ vân là loại sarcoma phần mềm thường gặp nhất ở trẻ em. Tuổi mắc bệnh trung bình là 5, chiếm 2/3 trường hợp được chẩn đoán dưới 6 tuổi. Nam có xu hướng mắc nhiều hơn nữ, với tỷ lệ nam/nữ là 1,4/1.
Đây là bệnh xuất phát từ trung mô, do đó vị trí tổn thương nguyên phát có thể gặp ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể, hay gặp nhất là ở các chi, vùng đầu cổ và hệ sinh dục tiết niệu.
Khối u sarcoma cơ vân làm mất chức năng, gây bất thường trong hoạt động các cơ quan, tổ chức cơ thể. Tùy theo vị trí khối u mà có những biểu hiện khác nhau:
Nếu khối u ở vùng mi, ổ mắt thường gây ra lồi mắt, đôi khi liệt mắt. U cận màng não (trừ ổ mắt) thường gây tắc nghẽn mũi, xoang, tiết dịch mủ bất thường, liệt thần kinh sọ, có thể kèm đau đầu nôn, tăng huyết áp.
Khối u ở vùng bàng quang gây bí đái, đái máu, đôi khi chảy dịch nhày máu còn nếu ở vùng tuyến tiền liệt đôi khi gây đái buốt, đái rắt, táo bón, xu hướng di căn phổi, tủy xương và xương.
U ở vùng âm đạo của trẻ thường gây tiết dịch âm đạo bất thường còn ở vùng chi, thân mình xuất hiện vùng da màu đỏ, tăng nhạy cảm đau.
Nếu u vùng đáy chậu và quanh hậu môn thường giống như ổ áp xe hay polyp còn tại đường mật thì có biểu hiện vàng da tắc nghẽn.
Việc chẩn đoán sớm bệnh sarcoma cơ vân trẻ em có vai trò rất quan trọng vì bệnh này xâm lấn rất nhanh. Do đó, trẻ em cần được theo dõi và khám sức khỏe thường xuyên để tầm soát bệnh.
Phương pháp điều trị sarcoma cơ vân ở trẻ tùy thuộc vào vị trí khối u, mức độ xâm lấn, loại hình cụ thể của khối u và tình trạng sức khỏe, độ tuổi của trẻ.