Theo các nhà khoa học, trong khói thuốc lá chứa hơn 7000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân quan trọng gây ra hơn 25 căn bệnh như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch… và các bệnh về hô hấp. Trên thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi.
Vì sao những người không hút thuốc bị ung thư phổi?
Theo tổ chức Cancer Research UK (Anh), mặc dù không trực tiếp hút thuốc nhưng những người hít phải khói thuốc lá vẫn có nguy cơ cao mắc ung thư phổi.
Trong khi đó tại Việt Nam có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Cũng vì vậy mà tỉ lệ mắc ung thư phổi tại nước ta khá cao.
Ngoài ra, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ ung thư phổi bao gồm:
- Ô nhiễm không khí: khói bụi xe cộ, thường xuyên hít phải khói thuốc từ việc đốt than đá, bếp lò… cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Cụ thể, sự gia tăng oxit nitơ trong không khí sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi cho những người sống gần những con đường có lưu lượng xe qua lại lớn. Ngoài khói xe và thuốc lá, phổi còn chịu tác động từ các hợp chất như crom và asen. Đây là những hóa chất dùng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp, trong đó có sản xuất sơn và ô tô. Những chất độc hại này có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi vì chúng có khả năng gây đột biến mô. Nếu thường xuyên hít phải khói độc từ việc đốt than đá, bếp lò… cũng có nguy cơ bị ung thư phổi đe dọa.
- Ung thư phổi do phơi nhiễm: thường xuyên làm việc trong môi trường có chứa uranium, thạch tín và các hóa chất khác cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Chẳng hạn việc sử dụng amiăng trong sản xuất có thể gây bệnh khi người bệnh tiếp xúc 20-30 năm trước đó. Amiăng đã bị cấm sử dụng ở 28 quốc gia châu Âu nhưng hiện vẫn được nhiều nước sản xuất và sử dụng trong đó có Việt Nam.
- Khí radon: radon là một trong những loại khí gây ra ung thư phổi. Đây là một chất khí phóng xạ tự nhiên ở trong lòng đất, phân bố không đều trên bề mặt trái đất. Radon không màu, không mùi, không vị và chỉ có thể phát hiện được bằng các dụng cụ đo đạc chuyên nghiệp. Một đặc điểm dễ nhận ra của loại khí này là giải phóng khi mặt đất bị nứt. Khi nền nhà có vết nứt hay tạo thành các lỗ tiếp xúc với đất, chính là môi trường thuận lợi để khí radon thoát ra. Theo nghiên cứu khí radon là nguyên nhân thứ 2 dẫn đến ung thư phổi ở Mỹ, có khoảng 12% các ca tử vong vì ung thư phổi có liên quan đến tiếp xúc với khí radon.

Khi nền nhà có vết nứt hay tạo thành các lỗ tiếp xúc với đất, chính là môi trường thuận lợi để khí radon thoát ra.
- Các yếu tố nguy cơ khác: tiền sử gia đình có người ung thư phổi, nhất là những người thuộc quan hệ cận huyết; sử dụng nguồn nước có nhiễm asen….
Làm gì để phòng ngừa ung thư phổi?
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, cần tránh xa thuốc lá và khói thuốc, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, bảo vệ cơ thể trước khói bụi và ô nhiễm, tầm soát ung thư phổi định kỳ, đặc biệt là người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi hoặc có các triệu chứng như ho kéo dài, đau ngực…
Xem chi tiết về gói tầm soát ung thư phổi định kỳ tại đây: https://ungbuouvietnam.com/tim-hieu-benh/goi-tam-soat-ung-thu-phoi/