Vì sao phải tầm soát ung thư cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung bắt nguồn từ sự phát triển bất thường của các tế bào cổ tử cung. Các tế bào này phân chia ngoài tầm kiểm soát và xâm nhập sâu vào mô cổ tử cung tạo thành các khối u. Theo thời gian, các tế bào ung thư có thể lây lan sang các cơ quan khác của cơ thể như: tử cung, buồng trứng, âm đạo, gan, não, xương, phổi… ảnh hưởng đến chức năng và hoạt động của các cơ quan này và đe dọa tính mạng người bệnh.

Ung thư cổ tử cung bắt nguồn từ sự phát triển bất thường của các tế bào cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, tỉ lệ chữa khỏi khá thấp, chỉ khoảng 15%. Ngược lại nếu phát hiện sớm bằng tầm soát ung thư cổ tử cung, cơ hội chữa khỏi bệnh lên tới 93%. Tầm soát ung thư cổ tử cung là việc thực hiện các xét nghiệm đặc biệt nhằm phát hiện ung thư cổ tử cung từ khi người bệnh chưa có triệu chứng.
Như vậy, nữ giới cần tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ bởi đây là cách tốt nhất giúp:
- Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tỉ lệ chữa khỏi cao, ít biến chứng, có thể bảo toàn khả năng sinh sản.
- Phòng bệnh: ung thư cổ tử cung là một trong số ít bệnh ung thư có thể phòng ngừa được nhờ tầm soát ung thư. Lý do bởi, thông thường, phải mất từ 3 – 7 năm cho những thay trong các tế bào cổ tử cung tiến triển thành ung thư. Tầm soát ung thư giúp phát hiện sớm những thay đổi tiền ung thư này và xử trí kịp thời, ngăn ngừa tiến triển thành ung thư.
Các xét nghiệm giúp tầm soát ung thư cổ tử cung
Pap smear – phết tế bào cổ tử cung
Xét nghiệm Pap smear được thực hiện nhanh chóng, đơn giản, không đau để tìm tế bào bất thường ở bề mặt cổ tử cung. Có thể phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh để can thiệp kịp thời. Tuy nhiên Pap smear đơn thuần dễ bỏ sót vì tỷ lệ âm tính giả cao, không phát hiện được nhiễm HPV nguy cơ cao gây ung thư.
Pap smear khó tầm soát ung thư biểu mô tuyến. Có đến 33% ung thư cổ tử cung xảy ra ở phụ nữ có kết quả xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung bình thường.
- Xét nghiệm HPV
Xét nghiệm này nhằm tìm ra mầm mống của loại HPV gây ung thư cổ tử cung, đặc biệt là HPV typle 16 và 18.
- Soi cổ tử cung
Soi cổ tử cung giúp quan sát toàn bộ âm đạo và cổ tử cung và khi phát hiện bất thường có thể đem sinh thiết mô cổ tử cung để cho kết quả chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
Ai nên tầm soát ung thư cổ tử cung?
Phụ nữ nên bắt đầu tầm soát lúc 21 tuổi. Không tầm soát nếu dưới 21 tuổi, không kể tuổi bắt đầu quan hệ tình dục. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn độ tuổi và tần suất thăm khám phù hợp.
Lưu ý: nên ngừng tầm soát ung thư cổ tử cung sau 65 tuổi nếu
- Không có tiền sử có tế bào cổ tử cung bất thường
- Kết quả tầm soát âm tính đầy đủ ( 3 lần Pap smear liên tục âm tính hoặc 2 bộ đôi xét nghiệm liên tục âm tính trong 10 năm với lần xét nghiệm cuối cùng trong vòng 5 năm)
Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, nên tiêm phòng vắc xin ngừa HPV cho nữ giới từ 9 – 26 tuổi. Chủng ngừa giúp hệ miễn dịch cơ thể nhận diện và tiêu hủy virus HPV trước khi virus xâm nhập vào cổ tử cung gây bệnh, hoặc trước khi bệnh tiến triển hoàn toàn. Bên cạnh đó, như đã nêu trên, chị em cần tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ từ 21 tuổi.
- Chia sẻ 8 cách đơn giản phòng ngừa ung thư vú tại website https://ungbuouvietnam.com/