Ung thư chỉ gặp ở người lớn tuổi
Nếu như trước đây, ung thư xuất hiện chủ yếu ở người lớn tuổi, từ 50 tuổi trở lên thì hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh gia tăng báo động ở người trẻ tuổi. Có nhiều trường hợp mắc ung thư khi mới ngoài 20, 30 tuổi.
Lý giải về điều này, các chuyên gia y tế cho biết, ung thư gia tăng ở người trẻ chủ yếu có liên quan tới thói quen sinh hoạt, ăn uống không khoa học, môi trường độc hại, không khí ô nhiễm, mắc ung thư từ người thân trong gia đình.
Các bệnh ung thư gia tăng nhanh ở người trẻ phải kể đến là ung thư phổi, ung thư dạ dày – thực quản – đại trực tràng, ung thư gan, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, buồng trứng…
chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt hợp lý
Ăn uống khoa học, sinh hoạt hợp lý được hiểu là có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, đúng giờ giấc, đầy đủ dinh dưỡng, vận động thể dục thể thao hàng ngày, ngủ đúng giờ… Tuy nhiên cách phòng ngừa ung thư này chưa đủ để bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp có chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt hợp lý vẫn mắc ung thư. Lý do là bởi hiểm họa ung thư luôn “rình rập” chúng ta hàng ngày:
- Hít phải không khí ô nhiễm, môi trường làm việc độc hại, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài, người người làm nghề thợ mỏ, làm móng, thợ làm tóc… có nguy cơ mắc ung thư phổi
- Làm việc dưới trời nắng, thường xuyên tiếp xúc với nắng mặt trời ở cường độ cao, lạm dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc… làm tăng nguy cơ ung thư da
- Có tiền sử gia đình mắc ung thư cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Không điều trị triệt để các bệnh lý trong cơ thể như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm vi khuẩn HP… làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày – thực quản; viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn…
Có triệu chứng mới cần tầm soát ung thư
Ung thư thường không gây ra triệu chứng cụ thể ở giai đoạn đầu nên khó phát hiện sớm bản thân mắc ung thư. Khi các triệu chứng bệnh rõ ràng thì ung thư đã tiến triển sang giai đoạn nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, chi phí điều trị tốn kém, khả năng chữa khỏi không cao. Đặc biệt khi ở giai đoạn cuối, các tế bào ung thư đã di căn tới nhiều vị trí khác trong cơ thể sẽ gây tử vong nhanh chóng.
Vì thế tầm soát ung thư nên được thực hiện càng sớm càng tốt ngay từ khi chưa có triệu chứng. Đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh cần phải chủ động tầm soát sớm ung thư.
Ung thư không thể phòng ngừa
Tùy vào từng loại bệnh ung thư, chúng ta sẽ có các biện pháp phòng ngừa khác nhau. Ví dụ:
- Với ung thư cổ tử cung: phòng ngừa hiệu quả là tiêm vắc xin ngừa virus HPV, có chế độ sinh hoạt lành mạnh, chung thủy một vợ – một chồng, áp dụng chế độ ăn uống hợp lý…
- Với ung thư phổi: không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá, sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với khói bụi hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm…
- Với ung thư đường tiêu hóa cần tạo cho mình thói quen ăn uống khoa học, kiêng rượu bia…
Với bệnh ung thư, có nhiều yếu tố không thể phòng ngừa như tuổi tác, tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư… Vì thế việc chủ động tầm soát ung thư được khuyến khích thực hiện định kỳ để kịp thời phát hiện sớm bệnh.
Ung thư không thể điều trị khỏi
Tùy vào từng loại bệnh ung thư và giai đoạn bệnh cụ thể của mỗi người mà có tiên lượng sống khác nhau. Nhìn chung, ung thư nếu được phát hiện và điều trị ngay ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống cao hơn việc phát hiện và chữa trị ở giai đoạn muộn. Cụ thể nếu được chữa trị sớm ngay ở giai đoạn đầu:
- Ung thư tuyến tiền liệt tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 100%
- Ung thư tuyến giáp: 99%
- Ung thư da: 100%
- Ung thư đại trực tràng: 90%
- Ung thư vú: 92%
Ung thư không chừa một ai nên việc hiểu đúng về căn bệnh này sẽ giúp bạn có ý thức phòng ngừa, tầm soát sớm để kịp thời điều trị (nếu có bệnh), tăng cơ hội sống.
- Chia sẻ gói tầm soát ung thư phổi tại website https://ungbuouvietnam.com/