Xuất huyết tiêu hóa thường gặp ở cả nam và nữ. Đây là tình trạng chảy máu từ bề mặt niêm mạc của đường tiêu hóa.
Đường tiêu hóa chạy suốt từ miệng cho tới hậu môn và được chia làm 2 phần, đường tiêu hóa trên và đường tiêu hóa dưới. Do vậy, triệu chứng xuất huyết đường tiêu hóa trên và dưới có nhiều điểm khác nhau.
Trường hợp chảy máu đại thể (mắt thường nhìn thấy được):
- Xuất huyết đường tiêu hóa trên: nôn ra máu đỏ tươi là triệu chứng chính. Với trường hợp chảy máu rỉ rả, máu thường ứ đọng lâu, nôn ra máu đen, đi ngoài phân đen.
- Xuất huyết đường tiêu hóa dưới: chủ yếu là dấu hiệu đi ngoài phân đỏ tươi
Trường hợp chảy máu vi thể (mắt thường không nhìn thấy được):
Bệnh nhân mỗi ngày mất một lượng máu nhất định, không chảy máu ồ ạt, Do chủ quan, không để ý đến tình trạng bệnh của mình, người bệnh thường đến viện khi bệnh diễn biến trong một thời gian dài, dẫn tới thiếu máu nặng kết hợp với suy kiệt cơ thể.
Xuất huyết đường tiêu hóa là nhóm bệnh do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Tùy vào mỗi nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có cách xử trí phù hợp. Nhóm nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa chung cho cả 2 phần đường tiêu hóa bao gồm: các bệnh về máu, nhiễm virus (sốt xuất huyết), do dùng thuốc (chống đông, chống viêm, giảm đau)…
Nguyên nhân gây xuất huyết từng phần của đường tiêu hóa:
Xuất huyết đường tiêu hóa trên:
- Do loét dạ dày, thực quản, hành tá tràng: Đây là nguyên nhân hay gặp nhất, khi đó bệnh nhân nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
- Rách tâm vị: những vết rách chạy dài, ăn sâu có thể gây chảy máu với mức độ nặng. Đặc biệt trong dịp tết, uống rượu bia nhiều dẫn tới nôn, ối gây rách ở vị trí tâm vị gây chảy máu trầm trọng.
- Ung thư đường tiêu hóa trên (ung thư thực quản, dạ dày, tá tràng…), polyp cũng có thể gây chảy máu, chảy máu đường mật
Xuất huyết đường tiêu hóa dưới
- Polyp, viêm loét đại trực tràng
- Ung thư đại trực tràng: Ung thư đại tràng phải thường kèm theo dấu đại tiện phân lỏng và máu đỏ sẫm. Ung thư đại tràng trái thường là dấu hiệu táo bón, đại tiện phân máu tươi; còn ung thư trực tràng hậu môn thường kèm theo dấu hiệu kích thích đại tiện nhiều lần.
- Bệnh Crohn: Thường gặp là tổn thương vùng hồi manh tràng với đau bụng, đại tiện phân lỏng từng đợt kèm theo sốt, máu lắng tăng.
- Bệnh trĩ: đau, chảy máu, máu đỏ tươi, phun thành tia là dấu hiệu của bệnh
- Nhóm bệnh hiếm gặp: do lỵ trực trùng, lao, amip
Xuất huyết tiêu hóa là cấp cứu nội khoa. Mấu chốt của việc điều trị và khắc phục xuất huyết tiêu hóa là tìm ra nguyên nhân.
Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc đăng ký khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, vui lòng liên hệ tổng đài 1900 55 88 96 hoặc hotline 0904 970 909.