Những tác dụng phụ có thể gặp sau xạ trị ung thư
Xạ trị còn được gọi là liệu pháp xạ là phương pháp sử dụng những hạt năng lượng cao hoặc các sóng như tia X-quang, tia Gamma, chùm tia điện tử hoặc proton để phá hủy hay tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được áp dụng đơn lẻ hoặc cùng với hóa trị, phẫu thuật… tùy từng trường hợp bệnh nhân và phác đồ của bác sĩ.

Xạ trị còn được gọi là liệu pháp xạ, có thể được áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật, hóa trị hoặc thuốc.
Xạ trị được chứng minh giúp điều trị triệt để nhiều loại ung thư. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không tránh được một số tác dụng phụ nhất định. Tùy vào tuổi tác, thể trạng từng bệnh nhân mà các loại tác dụng phụ và mức độ nghiêm trọng sẽ khác nhau. Phổ biến nhất là cảm giác mệt mỏi, đau rát da quanh vùng xạ. Các cảm giác này sẽ biến mất dần khi liệu trình xạ trị kết thúc. Dù vậy không phải tất cả bệnh nhân đều bị tác dụng phụ, điều này có thể liên quan đến tiền sử bệnh, cấu tạo gene và thói quen sinh hoạt.
Dưới đây là những tác dụng phụ có thể gặp sau xạ trị ung thư và cách khắc phục:
Mệt mỏi
Đây là tác dụng phụ khá phổ biến khi điều trị ung thư. Bệnh nhân mệt mỏi do thiếu máu, thiếu ngủ, đau, stress, ăn uống kém. Tốt nhất, người bệnh trong quá trình điều trị không nên làm việc quá sức, có thể tập thể dục nhẹ.
Tổn thương vùng da xạ trị
Ở vùng điều trị da trở nên đỏ, tấy, sau vài tuần có thể khô. Một số vị trí da có thể bị ẩm ướt, loét và đau. Do đó, trong quá trình điều trị, người bệnh nên tránh kích thích vùng da điều trị, tắm rửa với nước ấm, sữa tắm nhẹ. Không nên mặc đồ chật, không chà xát, gãi làm xước vùng da điều trị. Không tham gia các hoạt động tạo áp lực lên tay, chân với thời gian dài như đi bộ nhiều, sử dụng các dụng cụ cần dùng sức… Nên hỏi bác sĩ điều trị về các loại hóa mỹ phẩm sử dụng cho da.
Ăn uống kém
Bệnh nhân có thể mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn khi ăn. Cách khắc phục tốt nhất là: ăn khi đói ngay cả khi không phải là bữa ăn chính, chia làm nhiều bữa ăn nhỏ, ăn uống đủ chất, dùng thêm các loại thực phẩm giàu năng lượng như bơ, sữa, trứng, nước ép (trái cây, rau, thịt)
Rụng tóc
Chỉ xảy ra khi chiếu xạ vùng đầu và tóc có khả năng mọc lại sau điều trị. Bệnh nhân có thể cắt tóc ngắn; sử dụng tóc giả, đội nón hoặc dùng khăn choàng…
Vấn đề về răng miệng
Là một vấn đề cần lưu ý trong khi xạ trị, đặc biệt ở vùng đầu – mặt – cổ. Vệ sinh răng miệng bằng bàn chải mềm thường xuyên 4 lần một ngày hoặc theo hướng dẫn của nha sĩ hoặc bác sĩ; không sử dụng các loại thực phẩm có chứa axit gây kích thích họng miệng, không hút thuốc, không uống rượu, tránh sử dụng các loại thực phẩm nhiều gia vị, thô cứng.
Buồn nôn và nôn
Một vài bệnh nhân sau khi xạ trị vùng bụng có thể cảm thấy buồn nôn. Nên ăn nhẹ trước và sau điều trị khoảng 1-2 giờ. Ăn thức ăn lỏng mềm, ăn uống chậm rãi.
Tiêu chảy
Tiêu chảy bắt đầu vào khoảng tuần thứ 3-4 sau khi xạ trị vùng bụng hay khung chậu. Có thể tránh tiêu chảy bằng cách hạn chế các loại thức ăn sống và nhiều chất xơ ngay từ đầu quá trình điều trị. Dùng thức ăn nhiều kali như chuối, khoai tây… để cung cấp lại khoáng chất khi tiêu chảy.

Tiêu chảy bắt đầu vào khoảng tuần thứ 3-4 sau khi xạ trị vùng bụng hay khung chậu.
Khi nào nên liên hệ bác sĩ
Khi gặp bất cứ dấu hiệu nào bất thường sau điều trị xạ trị, người nhà bệnh nhân nên liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn kịp thời. Đặc biệt là trong các trường hợp:
- Xuất hiện những cơn đau không giảm, đặc biệt là luôn ở một vị trí.
- Buồn nôn, nôn
- Tiêu chảy kéo dài
- Xuất hiện khối u bất thường
- Giảm cân, sốt liên tục
- Tìm hiểu thêm thông tin ung thư phổi giai đoạn 3 tại website https://ungbuouvietnam.com/