Đối với đa số các bệnh ung thư, phẫu thuật được coi là phương pháp điều trị tối ưu nhất để loại bỏ hoàn toàn khối u ra ngoài cơ thể. Theo đó, phẫu thuật cũng là phương pháp điều trị chủ yếu được các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân ung thư đại tràng. Có nhiều phương pháp phẫu thuật ung thư đại tràng, tùy vào tình trạng mỗi bệnh nhân mà bác sĩ có chỉ định phù hợp.
- Phương pháp điều trị ung thư đại tràng di căn
- Sau phẫu thuật ung thư đại tràng có cần hóa trị không?
Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng
Trong điều trị ung thư đại tràng, phẫu thuật cắt bỏ đại tràng là phương pháp thường được chỉ định nhất. Đây là thủ thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng để loại bỏ các tổ chức ung thư. Đối với những trường hợp ung thư đại tràng giai đoạn sớm, khi khối u nhỏ và nằm ở đại tràng, chưa lây lan tới các khu vực khác, phương pháp điều trị thường là cắt bỏ 1 phần đại tràng. Ở giai đoạn muộn hơn, khi ung thư đã lan rộng, phương pháp cần thiết là cắt bỏ đại tràng. Hoặc trong trường hợp phần đại tràng không bị ung thư, nhưng bị viêm, hoặc có nhiều polyp thì cũng cần cắt bỏ cả đại tràng.
Đối với phẫu thuật cắt một phần đại tràng, phần đại tràng có chứa khối u và một phân đoạn nhỏ của ruột già bình thường ở hai bên sẽ được loại bỏ. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u mà bác sĩ sẽ quyết định loại bỏ bao nhiêu phần đại tràng. Thông thường, khoảng một phần tư đến một phần ba của đại tràng sẽ được loại bỏ, các phần còn lại của đại tràng sẽ được nối lại sau đó. Trong quá trình phẫu thuật, các hạch bạch huyết lân cận cũng sẽ được loại bỏ cùng lúc. Nghiên cứu cho thấy có thể loại bỏ càng nhiều hạch bạch huyết càng tốt, ít nhất 12 hạch bạch huyết, để đảm bảo ung thư được loại bỏ khỏi cơ thể hoàn toàn.
Các phương pháp phẫu thuật ung thư đại tràng
Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật ung thư đại tràng cho bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào tình trạng phát triển, vị trí, mức độ xâm của khối u cũng như tình hình sức khỏe tổng thể của người bệnh. Thông thường, bệnh nhân ung thư đại tràng được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ đại tràng bằng nội soi hoặc mở ổ bụng:
Cắt bỏ đại tràng mở: Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng mở được thực hiện bằng cách tạo một đường rạch lớn ở bụng đến đại tràng. Sau đó bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng các công cụ phẫu thuật từ các mô xung quanh và cắt ra một phần của đại tràng hoặc toàn bộ đại tràng.
Cắt bỏ đại tràng nội soi: Đối với bệnh nhân ung thư đại tràng ở những giai đoạn đầu, khối u có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật nội soi đại tràng. Đây là kỹ thuật can thiệp ít xâm hại nhất, phần đại tràng có chứa khối u sẽ được loại bỏ qua những đường mổ nhỏ khoảng 1,5 cm. Một ống nội soi được gắn với camera truyền hình ảnh phóng đại trên màn hình, các dụng cụ được đưa qua một vết rạch nhỏ khác để thực hiện phẫu thuật loại bỏ một phần đại tràng và các hạch bạch huyết.
Phẫu thuật nội soi có vết mổ nhỏ hơn, do đó bệnh nhân ít bị đau hơn và nhanh bình phục. Tuy nhiên, các trường hợp có thể phẫu thuật nội soi không nhiều, hoặc trong quá trình phẫu thuật nội soi phải tiến hành mở ổ bụng do phát hiện các khối u không thể loại bỏ bằng nội soi.
Hậu môn nhân tạo:
Trong một số trường hợp như khối u lớn chặn hoặc làm thủng đại tràng, bệnh nhân sẽ được đặt một ống thông để giúp đại tràng được thông và giảm tắc nghẽn. Nếu không thể đặt ống thông thì bệnh nhân cần làm phẫu thuật ngay lập tức. Tuy nhiên thay vì kết nối lại các phân đoạn của đại tràng, đầu cuối của đại tràng được gắn vào một lỗ (lỗ thoát) trong da của bụng để đào thải các chất thải (được gọi là hậu môn nhân tạo).
Thông thường, bệnh nhân chỉ sử dụng hậu môn nhân tạo trong một thời gian nhất định. Khi điều kiện cho phép, thủ thuật gắn đầu của đại tràng trở lại với nhau hoặc nối lại hồi tràng đến đại tràng sẽ được thực hiện để gỡ bỏ hậu môn nhân tạo. Chỉ ở một số ít trường hợp, bệnh nhân phải sử dụng hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Khi được đặt hậu môn nhân tạo, người bệnh sẽ được hướng dẫn về cách sử dụng cũng như cách giải quyết các vấn đề có thể phát sinh với hậu môn nhân tạo sau khi xuất viện.