Trong điều trị ung thư khoang miệng, xạ trị là phương pháp thường được chỉ định để chữa trị cho bệnh nhân. Phương pháp này thường được dùng cho các khối u nhỏ hoặc những trường hợp không thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ các tổ chức ung thư. Trong nhiều trường hợp, xạ trị cũng được dùng kết hợp với phẫu thuật nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.
Hiện nay, có hai phương pháp xạ trị thường dùng là xạ trị bên ngoài và xạ trị nội bộ. Đối với xạ trị bên ngoài, các tia xạ được phát ra từ một loại máy chuyên dụng và được chiếu lên khu vực cần tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn cho chúng không tấn công các mô khỏe mạnh, thường được áp dụng nhiều hơn cho bệnh nhân ung thư miệng. Trong khi đó, xạ trị nội bộ ít được áp dụng hơn. Trong xạ trị nội bộ, chất phóng xạ được đưa trực tiếp vào mô vùng miệng hoặc cổ họng nơi có các tế bào ung thư nhằm tiêu diệt chúng.
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia xạ năng lượng cao và chất phóng xạ để điều trị ung thư, bởi vậy nó có thể để lại một số tác dụng không mong muốn trên người bệnh. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào lượng xạ được sử dụng. Một số tác dụng phụ sau khi xạ trị ung thư miệng thường gặp là:
Cảm giác đau miệng, cổ họng: xạ trị có thể gây loét, đau đớn trong miệng và cổ họng. Các bác sĩ có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau để hỗ trợ giảm triệu chứng này cho người bệnh.
Khô miệng: xạ trị có thể gây ảnh hưởng đến tuyến nước bọt khiến lượng nước bọt được tiết ra rất hạn chế, gây khó khăn trong khi ăn và nói chuyện. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh có thể uống nhiều nước và ngậm một số loại kẹo cứng để giúp làm ẩm khoang miệng.
Sâu răng: đây là ảnh hưởng thường gặp khi xạ trị ung thư miệng. Bởi vậy, để ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn gây sâu răng, người bệnh nên thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Ngoài ra, nên chọn loại bàn chải đánh răng mềm và đưa bàn chải nhẹ nhàng khi đánh răng.
Nhiễm trùng: xạ trị khoang miệng dẫn đến khô miệng và tổn thương niêm mạc khiến vi khuẩn dễ dàng tấn công và gây nhiễm trùng. Để tránh tình trạng này, người bệnh cần thực hiện vệ sinh cẩn thận cùng với theo dõi các vết loét và các thay đổi bất thường khác hằng ngày. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường cần báo cho bác sĩ để có biện pháp xử trí.
Đau và chảy máu nướu răng: khi thực hiện xạ trị khoang miệng, nướu sẽ trở nên rất nhạy cảm, vì vậy bệnh nhân cần đánh răng và dùng chỉ nha khoa vệ sinh thật nhẹ nhàng, tránh sử dụng tăm để xỉa răng gây chảy máu.
Hàm kém linh hoạt: xạ trị có thể làm khớp hàm kém linh hoạt khiến việc mở miệng trở nên khó khăn hơn, gây ảnh hưởng đến việc nói và ăn uống. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh có thể tập mở miệng với mức độ to dần và áp dụng nhiều lần trong ngày để giúp khớp hàm linh hoạt hơn.
Đối với bệnh nhân sử dụng răng giả: việc thực hiện xạ trị sẽ làm thay đổi cấu trúc các mô trong miệng và khiến răng giả không còn vừa vặn nữa. Sau khi điều trị, người bệnh có thể đề nghị các bác sĩ nha khoa thực hiện chỉnh sửa hoặc thay mới răng giả nếu cần thiết.
Bài viết liên quan
- Cơ sở vật chất, hệ thống thiết bị y tế hiện đại
- Các bác sĩ giỏi chuyên khoa Ung bướu trực tiếp khám
- Tư vấn điều trị ung thư với các bác sĩ hàng đầu Singapore
- Thanh toán BHYT theo quy định của Nhà nước. Quy trình khám bệnh và điều trị khép kín, tiết kiệm thời gian
- Thuốc điều trị ung thư được nhập khẩu chính hãng, giảm tối đa tác dụng phụ
Bác sĩ tư vấn 24/7: