Ung thư lưỡi thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi, tuy nhiên trong những năm gần đây căn bệnh này đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Theo thống kê, tỉ lệ ung thư lưỡi chiếm 0.8%-1.5% so với toàn thân, chiếm 5%-7.8% ung thư đầu cổ, chiếm 32.2%-50.6% ung thư khoang miệng. Vậy thủ phạm gây ung thư lưỡi là gì? Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau đây.

thu-pham-gay-ung-thu-luoi

Ung thư lưỡi chiếm 32.2%-50.6% ung thư khoang miệng.

Ung thư lưỡi phát sinh từ sự biến đổi ác tính biểu mô phủ lưỡi hoặc các mô liên kết cấu trúc lưỡi. Hầu hết các trường hợp ung thư lưỡi không tìm được nguyên nhân gây bệnh nhưng người ta thấy rằng có một số yếu tố nguy cơ có thể là thủ phạm gây ung thư lưỡi bao gồm:

  • Hút thuốc lá: thói quen này là khởi nguồn cho nhiều căn bệnh ung thư. Các nghiên cứu chỉ ra rằng: những người thường xuyên hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng, lưỡi cao hơn nhiều so với người không sử dụng thuốc lá. Hút xì gà, tẩu thuốc hoặc hút thuốc lá, nhai thuốc lá, thuốc lá điện tử… đều có nguy cơ gây bệnh ung thư lưỡi do nicotine và các chất độc hại có trong khói thuốc có thể gây hại đến những bộ phận khác nhau của miệng.
  • Uống rượu : có ít nhất 3/4 những người có bệnh ung thư lưỡi và cổ họng tiêu thụ rượu thường xuyên. Tác hại của rượu không kém gì thuốc lá. Nếu bạn nghiện cả rượu và thuốc lá thì nguy cơ bị ung thư tăng lên rất nhiều.

    thu-pham-gay-ung-thu-luoi

    Rượu làm tăng nguy cơ ung thư lưỡi.

  • Vệ sinh răng miệng kém, răng mọc lệch: không vệ sinh răng miệng thường xuyên sẽ khiến cho lưỡi viêm nhiễm mãn tính, lâu dài cộng với yếu tố tổn thương do lưỡi cọ vào răng thường xuyên có khả năng dẫn đến u lưỡi.
  • Chế độ ăn uống: thiếu vitamin A, D, E; ăn nhiều đồ rán, đồ nướng, mỡ thực vật, ít ăn các loại rau, hoa quả… đều có thể dẫn đến nguy cơ ung thư lưỡi và các bệnh ung thư khác.
  • Lịch sử gia đình: bạn sẽ có nguy cơ phát triển bệnh ung thư lưỡi cao hơn người bình thường nếu trong gia đình bạn có thành viên mắc phải căn bệnh này
  • Một số yếu tố nguy cơ khác như: nhiễm virus Herpes, HPV (Human Papilloma Virus), hội chứng Xeroderma pigmentosum, thiếu máu Fanconi… cũng được cho là có liên quan đến ung thư lưỡi.
thu-pham-gay-ung-thu-luoi

HPV cũng được cho là có liên quan đến ung thư lưỡi.

Phần lớn các bệnh nhân ung thư lưỡi không có cảm giác đau ở giai đoạn đầu nên người bệnh thường chủ quan và không đi khám. Nhưng khi tổn thương lớn lên mới xuất hiện nhiều triệu chứng như: xuất hiện hạch ở cổ, vết loét lâu ngày, màu trắng hoặc đỏ ở hai bên lưỡi (có thể hơi đau hoặc không đau), khó khăn khi nói, nhai, chảy máu lưỡi, đau tai… ngứa hoặc đau rát lưỡi khi uống rượu hoặc ăn các loại thức ăn có tính axit. Những biểu hiện trên có thể tái đi tái lại nhiều lần.

Để phòng tránh ung thư lưỡi, cần đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, sau bữa ăn, trong khoảng 3 phút. Ngoài ra, nên dùng chỉ tơ nha khoa làm vệ sinh những kẽ trống giữa hai răng mà việc đánh răng không chạm tới được, nên đi khám nha sĩ tối thiểu 1 lần/năm. Cần đặc biệt lưu ý: hạn chế tối đa rượu và thuốc lá- thủ phạm gây ung thư lưỡi và nhiều bệnh ung thư khác.